21 thg 1, 2014

Nguồn gốc và sự phân bố cây cà phê ở Việt Nam

Bài tiểu luận của nhóm Chí Tình về nguồn gốc cây cà phê, sự phân bố và sự di chuyển của cây cà phê, trong đó có sự phân bố cây cà phê Việt Nam. Tuy tiểu luận khá ngắn gọn nhưng có nhiều ý nghĩa trong việc triển khai các đề tài nghiên cứu theo những hướng khác như ứng dụng GIS trong xác định vùng đất thích hợp trồng cây cà phê, lập bản đồ số với công cụ GIS để theo dõi sự phân bố, v.v.

I. Danh bộ:
Phân loại khoa học:
Giới ( regum): Plantae
   Angiospermae
                        Eudicots
                       Asterids
Bộ ( ordo) : Gentianales
Họ ( Familia) : Rubiaceae
Chi ( genus) : Coffea
II. Xuất xứ, nguồn gốc của cây cà phê .
1.Nguồn gốc, xuất xứ của cây cà phê
Theo một truyền thuyết đã ghi nhận được trên giấy vào năm 1671, người chăn dê ở Kaffa ( thuộc Ethiopia ngày nay) phát hiện ra đàn dê đã ăn một loại quả cây lạ hoa trắng và quả màu đỏ sau đó có những biểu hiện lạ thường. Họ đã đem chuyện này kể với các thầy tu và xác nhận công hiệu của nó.
Đó là truyền thuyết, còn những di chỉ khảo cổ, những ghi chép của con người còn lại cho đến ngày nay. Người ta biết rằng, Kaffa (Ethiopia ngày nay) chính là vùng đất khởi nguyên của cây cà phê, từ thế kỷ thứ IX đã có những ghi nhận ở đây, đến thế kỷ XIV những người buôn nô lệ đã mang cà phê từ Ethiopia sang xứ Ả Rập. Nhưng tới tận thế kỷ XV người ta mới biết rang cà phê lên và sử dụng làm đồ uống. Cà phê đã trở thành một thức uống truyền thống của người Ả Rập và là nơi trồng cà phê độc quyền với trung tâm giao dịch cà phê là thành phố cảng Mocha, hay còn được gọi là Mokka, tức là thành phố Al Mukha thuộc Yemen ngày nay. Người Ả Rập rất tự hào về phát minh ra loại thức uống này và giữ bí mật để bảo tồn độc quyền về một loại sản phẩm. Họ đưa ra những chế tài rất chặt chẽ trong việc sản xuất và xuất khẩu cà phê nhưng nó vẫn được bí mật đưa ra ngoài.
Bản đồ khu phân bố cây cà phê trên thế giới
2. Khái quát cơ bản về cây cà phê.
Cà phê ( coffea) là tên một chi thực vật thuộc họ Thiến thảo (Rubiaceae). Họ này là một trong những họ thực vật có nhiều chi (68 chi) thuộc vùng nhiệt đới. Chi cà phê bao gồm nhiều loài cây lâu năm trong đó có 2 loài có chứa caffein trong hạt và mang lại hiệu quả kinh tế đó là cà phê vối và cà phê chè . Ngoài ra cây cà phê mít cũng mang lại hiệu quả kinh tế nhưng loài này ít phổ biến hơn. Các loài còn lại tuy thuộc chi cà phê nhưng khác xa với những cây cà phê thường trồng, vì vậy cây cà phê vối và cà phê chè thường gọi chung là cây cà phê.
II. Điều kiện ảnh hưởng đến cây cà phê.
1.Đất đai:
Cà phê có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau, trong đó đất ba-zan là một trong những loại đất lý tưởng để trồng cà phê, vì các đặc điểm lý hóa tính tốt, và tầng dày của loại đất này. Yêu cầu cơ bản của đất trồng cà phê là có tầng sâu từ 70 cm trở lên, có độ thoát nước tốt (không bị úng, lầy). Các loại đất thường thấy ở Việt Nam ở trên các vùng cao như granit, sa phiến thạch, phù sa cổ, gờ nai, đá vôi, dốc tụ... đều trồng được cà phê. Ở cà phê vườn có khả năng trồng được cả ở nơi có đá lộ đầu, ở những nơi đất dốc vẫn trồng được cà phê nếu làm tốt công trình chống xói mòn. Dù trồng ở trên loại đất nào nhưng vai trò của con người có tính quyết định trong việc duy trì, bảo vệ nâng cao độ phì nhiêu của đất. Ngay cả trên đất ba-zan, nếu cà phê không được chăm sóc tốt vẫn dẫn tới hiện tượng cây mọc còi cọc, năng suất thấp. Ngược lại ở những nơi không phải là đất ba-zan nếu đảm bảo được đủ lượng phân hữu cơ, vô cơ, giải quyết tốt cây đậu đỗ, phân xanh trồng xen, tủ gốc tốt cùng các biện pháp thâm canh tổng hợp khác như tưới nước vẫn có khả năng tạo nên các vườn cà phê có năng suất cao.
2. Khí hậu.

Không phải vùng nào ở trên trái đất cũng trồng được cà phê. Ngoài yếu tố đất đai, cây cà phê còn đòi hỏi một số yêu cầu về nhiệt độ, ẩm độ, lượng mưa, ánh sáng, gió.
- Nhiệt độ: Nói chung trong phạm vi nhiệt độ tương đối rộng từ 50C đến 320C cây cà phê vẫn có khả năng tồn tại, sinh trưởng và phát triển. Song phạm vi nhiệt độ phù hợp đối với từng giống cà phê có khác nhau.
 Cà phê chè ưa nơi mát và hơi lạnh. Phạm vi thích hợp từ 180C - 250C, thích hợp nhất từ 20 - 220C. Do yêu cầu về nhiệt độ như vậy nên cà phê chè thường được trồng ở miền núi có độ cao từ 600 - 2.500 m (nguyên quán cà phê chè là ở Ethiopie nơi có độ cao trên dưới 2.000 m). Các nước trồng cà phê chè có phẩm vị thơm ngon như: Kenya, Tanzania, Ethiopie, Côlombia thường được trồng ở nơi có độ cao từ 800 m trở lên. Ngược lại cà phê vối thích ở nơi nóng ẩm. Phạm vi nhiệt độ thích hợp từ 22 - 260C, song giới hạn nhiệt độ thích hợp nhất từ 24 - 260C. Nhiệt độ giảm xuống tới 00C làm thui cháy các đọt non, nếu kéo dài làm cháy cả lá già đặc biệt là vùng hay xuất hiện sương muối. Gió rét và gió nóng đều bất lợi đối với sinh trưởng của cây cà phê.
- Lượng mưa: Lượng mưa cần thiết đối với cây cà phê chè thường 1.300 mm - 1.900 mm, còn đối với cà phê vối cần từ 1.300 - 2.500 mm. Nếu lượng mưa được phân bổ tương đối đều trong năm có một mùa khô hạn ngắn vào cuối và sau vụ thu hoạch, nhiệt độ thấp thì thuận lợi cho quá trình phân hóa mầm hoa của cây cà phê.
Đối với cà phê mít có yêu cầu về nhiệt độ và lượng mưa tương tự như cà phê vối. Song cây cà phê mít có bộ rễ ăn sâu, vì vậy có thể trồng ở những nơi có lượng mưa ít hơn.
Nhìn chung, ở nước ta lượng mưa phân bố không đều. Lượng mưa tập trung khoảng 70 - 80% vào trong mùa mưa gây ra hiện tượng thừa nước. Mùa khô thường kéo dài từ 3 - 5 tháng, nhưng lượng nước mưa chỉ chiếm từ 20 - 30%, do vậy có nhiều nơi cây cà phê thiếu nước nghiêm trọng đặc biệt là các tỉnh ở Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Để khắc phục hiện tượng này, vấn đề tủ gốc giữ ẩm, đai rừng phòng hộ, cây che bóng và tưới nước có một ý nghĩa quan trọng.
- Ấm độ: Ẩm độ của không khí phải trên 70% mới thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển của cây cà phê. Đặc biệt là giai đoạn cà phê nở hoa cần phải có ẩm độ cao, do đó tưới nước bằng biện pháp phun mưa rất thích hợp cho quá trình nở hoa của cà phê. Ẩm độ quá thấp cộng với điều kiện khô hạn, nhiệt độ cao dẫn tới hậu quả làm cho các mầm, nụ hoa bị thui, quả non bị rụng.
- Ánh sáng: Cà phê chè là loại cây thích ánh sáng tán xạ (nguồn gốc mọc trong rừng thưa tại châu Phi), ánh sáng trực xạ làm cho cây bị kích thích ra hoa quá độ dẫn tới hiện tượng khô cành, khô quả, vườn cây xuống dốc nhanh, ánh sáng tán xạ có tác dụng điều hòa sự ra hoa, phù hợp với cơ chế quang hợp tạo thành và tích lũy chất hữu cơ có lợi cho cây cà phê, giữ cho vườn cây lâu bền, năng suất ổn định.
Cà phê vối là cây thích ánh sáng trực xạ yếu (nguyên quán cà phê vối mọc rải rác ven Rừng Châu Phi). Ở những nơi có ánh sáng trực xạ với cường độ mạnh thì cây cà phê vối cần lượng cây che bóng để điều hòa ánh sáng, điều hòa quá trình quang hợp của vườn cây.
- Gió: Gió lạnh, gió nóng, gió khô đều có hại đến sinh trưởng của cây cà phê. Gió quá mạnh làm cho lá bị rách, rụng lá, các lá non bị thui đen, gió nóng làm cho lá bị khô héo. Gió làm tăng nhanh quá trình bốc thoát hơi nước của cây và đất đặc biệt là trong mùa khô. Vì vậy cần giải quyết trồng tốt hệ đai rừng chắn gió chính và phụ; cây che bóng để hạn chế tác hại của gió. Đai rừng chắn gió và cây che bóng còn có tác dụng hạn chế hình thành và tác hại của sương muối, ở những vùng có gió nóng, đai rừng còn có tác dụng điều hòa nhiệt độ trong lô trồng.
IV. Sự di cư của cây cà phê đến vùng mới.
1. Sự di cư của cây cà phê trên thế giới.
Cây cà phê xuất hiện đầu tiên ở Ethotipia và khu vực Arap sau đó bắt đầu được trồng nhiều nơi trên thế giới.
Từ khu vực nhiệt đới Châu Phi, khu vực phân bố của cây cà phê ngày càng mở rộng bằng con đường di cư. Sự di cư của sinh vật gồm hai quá trình, đó là: phát tán nòi giồng ra ngoài khu vực phân bố và tự nhiên hóa vùng mới.
Sự phát tán của thực vật không chỉ phụ thuộc vào điều kiện môi trường mà còn phụ thuộc vào tình chất phát tán phong phú của thực vật tức là phụ thuộc vào biện pháp di cư dưới dạng hạt hay bào tử. Các dạng phát tán đó là : phát tán nhờ gió, phát tán nhờ nước, phát tán nhờ động vật và phát tán nhờ con người. Ngày nay sự phát tán nhờ con người diễn ra mạnh mẽ ở nhiều loại cây trồng và cây cà phê cũng không phải là một ngoại lệ. Nói như vậy không có nghĩa là cây cà phê chỉ di cư nhờ con người mà còn nhờ nhiều sự phát tán khác.
Bản đồ sự di chuyển cây cà phê trên thế giới
Cây cà phê được người Châu Âu đem về trồng ở Hà Lan. Tuy nhiên nó đã không phát triển mạnh mẽ được. Cuối thế kỉ 19, chủ nghĩa thực dân phát triển mạnh mẽ, chính quyền thực dân phương Tây đã đem trồng cây cà phê ở nhiều nước thuộc địa, đặc biệt là khu vực nhiệt đới.
Điều kiện quần xã sinh vật nơi thực vật di cư tới cũng đóng vai trò rất quan trọng đến sự di cư của nó. Trong quá trình di cư loài bao giờ cũng gặp những chướng ngại vật. Các chướng ngại vật đó có thể là chướng ngại vật địa hình, chướng ngại vật về điều kiện sinh thái, đất đai, chướng ngại vật về sinh học, độ dày đặc của thảm thực vật...Các loài di cư phải vượt qua các chướng ngại vật này mới có thể tồn tại và phát triển ở vùng mới.
Dựa trên cơ cở đó, sự di cư của cây cà phê bằng con đường phát tán nhờ nước và các sự phát tán khác là rất hạn chế. Bỡi lẽ đối với những loài thực vật sống trên cạn, biển là chướng ngại vật không thể vượt qua. Các chướng ngại về điều kiện sinh thái có ảnh hưởng rất lớn đến sự di cư cũng như sự phát triển của cây cà phê ở vùng  mới. Cây cà phê là loài cây nhiệt đới, vì vậy khi được chính quyền thực dân đem trồng ở các nước thuộc địa thuộc khu vực nhiệt đới nó đã phát triển rất mạnh mẽ. Ngược lại, khi đem trồng ở Hà Lan (Châu Phi)  cây cà phê lại phát triển không tốt bởi vì Châu Âu là khu vực ôn đới mà điều kiện khí hậu ôn đới không thể đáp ứng được cho sự phát triển của cây cà phê.
Như vậy từ Châu Phi, cây cà phê  đã được trồng và phát triển mạnh mẽ ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là khu vực nhiệt đới: Braxin, Việt Nam, Venezuela, Ấn Độ, Arập, Indonesia…
2. Sự di cư của cây cà phê ở Việt Nam.
Khoảng nửa sau thế kỷ XIX, người phương Tây đưa cây cà phê sang trồng ở Việt Nam. Cây cà phê ở Việt Nam có nguồn gốc từ Indônexia và Côngô sang.( bản đồ)
Cây cà phê được trồng lần đầu tiên là ở khu vực phía Bắc, chủ yếu là cây cà phê chè. Sau đó, cây cà phê được trồng mở rộng vào các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh...
Sau một thời gian, thực dân phương Tây thấy giống cà phê chè không mang lại hiệu quả kinh tế cao vì vậy đã đưa giống cà phê vối từ Côngô vào trồng ở Tây Nguyên. Sau một thời gian cây cà phê phát triển rất mạnh mẽ, diện tích cây cà phê ngày càng tăng.
V. Sự phân bố của cây cà phê.
1.Sự phân bố cây cà phê trên thế giới.
Khu phân bố của cây cà phê là khu phân bố nhân tạo , bởi lẽ sự di cư cũng như phát triển của cây cà phê phụ thuộc rất nhiều vào con người.
Trên thế gới cây cà phê phân bố chủ yếu ở khu vực nhiệt đới. Ban đầu cây cà phê có chủ yếu ở Châu Phi. Sau đó, khu phân bố này ngày càng được mở rộng. Một khu phân bố mở rộng hay thu hẹp chủ yếu dựa vào các yếu tố sau đây: yếu tố địa hình, yếu tố khí hậu, yếu tố đất đai, yếu tố lịch sử, yếu tố sinh học – cạnh tranh loài và yếu tố con người.
Cây cà phê tuy có nguồn gốc từ Châu Phi nhưng ngày nay do nhiều lí do khách quan mà cây cà phê được trồng ở Châu Phi không đáng kể. Cây cà phê hiện này được trồng nhiều ở Trung và Nam Mỹ, Việt Nam, Ấn Độ, Indonexia, bán đảo Arap ...
2. Sự phân bố cây cà phê ở Việt Nam.
Khu phân bố của cây cà phê là khu phân bố nhận tạo chịu tác động rất nhiều từ con người. Vì vậy, cây cà phê ở Việt Nam chủ yếu là loài cây trồng, rất ít gặp trong rừng tự nhiên.
Cây cà phê ở Việt Nam có 3 loài : cây cà phê vối , cây cà phê chè, cây cà phê mít. Cây cà phê chè (9%) và cây cà phê vối (90%) được trồng khá phổ biến trong khi đó cây cà phê mít (1%) được trồng rất ít.
Tại Việt Nam, cây cà phê chè được trồng nhiều ở khu vực Bắc Bộ, đặc biệt lả khu vực Bắc Trung Bộ. Cây cà phê chè được trồng nhiều ở khu vực này là do yếu tố lịch sử. Cây cà phê chè được thực dân phương Tây đem vào trồng ở Việt Nam vào những năm cuối thế kỉ 19, trồng ở các tu viện giáo đường ở Bắc Bộ, sau đó thực dân Pháp cho trồng ồ ạt ở khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình... Sau chiến tranh các khu vườn cà phê chè vẫn tiếp tục được duy trì. Vì thế, khu vực này có sự phân bố cây cà phê chè rất cao.
Thực dân phương Tây nhận thấy việc trồng cà phê chè mang lại hiệu quả không cao vì vậy vào thập niên đầu thế kỉ XX, cây cà phê vối có nguồn gốc từ Côngô được đem sang Việt Nam. Và Tây Nguyên trở thành khu vực có diện tích trồng cà phê vối lớn nhất nước ta.
Vùng trồng cây caffe Việt Nam
Mức độ phân bố của thực vật phu thuộc rất nhiều vào điều kiện sinh thái và đất đai.


- Cây cà phê vối phát triển mạnh mẽ ở Tây Nguyên vì nơi đây có điều kiện đất đai rất lí tưởng cho cây cà phê, đó là đất bazan màu mỡ. Ngoài ra, cây cà phê vối được trồng ở Việt Nam có nguồn gốc từ rừng rậm Châu Phi, phân bố ở khu vực có độ cao trên 1000m, do đó ở Việt Nam không có nơi nào thích hợp hơn Tây Nguyên. Khu vực Trung du miền núi Bắc Bộ cũng có độ cao rất phù hợp với diều kiện của cây cà phê vối. Nhưng khí hậu ở đây không cho phép trồng cây cà phê vối. Bởi lẽ, khu vực này có một mùa đông lạnh và rét mà cây cà phê thì không thể chịu nhiệt độ quá thấp nên cây cà phê vối không được trồng nhiều ở vùng này.
- Cây cà phê chè rất ít được trồng ở Tây Nguyên, khu vực Đông Nam Bộ vì lượng mưa ở những khu vực này tương đối cao khoảng trên 2300mm, mà cây cà phê chè chỉ thích hơp ở những vùng có lượng mưa từ 1300mm – 1900mm.
Như vậy chính sự phức tạp về điều kiện sinh thái đã tạo ra sự phân hóa vùng phân bố cà phê ở nước ta. Khu vực phía Bắc là vùng phân bố chủ yếu của cây cà phê chè, khu vực phía Nam là vùng phân bố của cây cà phê vối.
 Mức độ phân bố cây cà phê không chỉ phân hóa do điều kiện khí hậu, đất đai mà còn phân hóa do điều kiện địa hình và gió.
Cây cà phê phân bố chủ yếu ở khu vực đồi núi có địa hình cao trên 800m. Địa hình Việt Nam lại phân hòa rất phức tạp vì vậy đã đẫn đến sự phân bố không đều của cây cà phê giữa các vùng, tập trung ở những vùng có địa hình đồi núi như Tây Nguyên, phía bắc Bắc Trung Bộ.
Ngoài ra cây cà phê ở Việt Nam hầu như không trồng ở ven biển cũng như khu vực Duyên Hải Nam Trung Bộ vì điều kiện khí hậu ở đây không phù hợp,  đặc biệt là gió. Gió là nhân tốt rất quan trọng ảnh hưởng đến cây cà phê, cây cà phê rất dễ bị ảnh hưởng của gió khô, gió nóng mà vùng ven biển thì gió quá mạnh, còn khu vực Nam Trung Bộ thì thường có những đợt gió Lào kéo dài vì vậy sự phân bố cây cà phê ở vùng này rất ít.
Mức độ phân bố cây cà phê ở nước ta tại vùng Đồng bằng sông Hông và vùng Tây Nam Bộ là thấp nhất vì địa hình ở đây chủ yếu là đồng bằng, đất phù sa không thích hợp cho cây cà phê.
Như vậy sự phân bố cây cà phê ở Việt Nam phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó yếu tố về sinh thái có vai trò rất quan trọng.

 Nguồn: Trần Chí Tình

Tài liệu tham khảo.

1. Nguyễn Nghĩa Thìn, Hệ thực vật và đa dạng loài, NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội, năm 2004.
2. A.G.Voronov, Địa lý sinh vật, NXB Khoa Học và Kỹ Thuật.


Share this