25 thg 1, 2014

Khoa học Địa lý Việt Nam - Cơ hội và thách thức

Khoa học địa lý là một trong những khoa học cổ xưa nhất thế giới gắn liền với nhận thức, hiểu biết không gian lãnh thổ của loài người. Những phát kiến khoa học vĩ đại đầu tiên của nhân loại là về đất nước và các châu lục. Xuất phát từ các yêu cầu thực tiễn cuộc sống, khoa học địa lý không ngừng hoàn thiện lý luận, quan điểm và phương pháp luận.
 
Phát triển khoa học địa lý
Trên con đường phát triển khoa học địa lý có lúc thăng trầm vượt qua những thách thức và cơ hội để đạt được những thành tựu, những di sản quí báu cho toàn nhân loại. Thông qua tìm hiểu lịch sử phát triển khoa học địa lý nói chung và địa lý Việt Nam nói riêng là công việc đầy khó khăn song hết sức cần thiết. Bởi lẽ con đường phát triển khoa học địa lý rất dài và rộng theo thời gian và không gian, cần phải nhận thức sâu sắc những chặng đường gắn với những học thuyết, quan điểm, phương pháp địa lý. Qua đó kế thừa những thành tựu khoa học địa lý trong quá khứ từ các học thuyết về vũ trụ, trái đất đến các qui luật địa đới toàn cầu và phi địa đới khu vực. Từ những vấn đề học thuyết, lý thuyết đến các mô hình ứng dụng, địa lý thế giới đã đi từ địa lý bộ phận đến địa lý tổng hợp và hình thành các trường phái ứng dụng khác nhau.
Khoa học địa lý Việt Nam cũng có tiến trình lịch sử phát triển riêng và chung với thế giới. Trong đó, từ thế kỷ 20 khoa học địa lý Việt Nam đã có bước hội nhập lớn với thế giới. Sự du nhập các trường phái địa lý Âu – Mỹ đã tạo động lực phát triển địa lý Việt Nam thoát khỏi địa lý Cổ Trung Hoa. Đồng thời đã tạo nên nền tảng của địa lý hiện đại. Sự ra đời của nhiều tổ chức nghiên cứu, đào tạo khoa học địa lý Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ 20 đã đáp ứng kịp thời công cuộc phát triển đất nước. Song bước vào thiên niên kỷ thứ 3, những biến động mang tính toàn cầu cả về tự nhiên và kinh tế - xã hội đang là những thách thức đối với các nhà địa lý Việt Nam.

VÀI NÉT VỀ SỰ PHÁT TRIỂN ĐỊA LÝ THẾ GIỚI VÀ CÁC TRƯỜNG PHÁI

Địa lý thế giới đã trải qua các thời kỳ cổ đại, trung cổ, phục hưng, tiền Tư bản (thế kỷ 17 – 18) và Tư bản Chủ nghĩa từ thế kỷ 19 đến 20. Thực chất địa lý mới trở thành khoa học thực sự với những học thuyết, những khái niệm phương pháp riêng từ cuối thế kỷ 19.
Thời kỳ địa lý cổ đại được đánh dấu bằng công trình của Herodote từ thế kỷ thứ V trước công nguyên (TCN) và đến thế kỷ thứ IV sau công nguyên (SCN), khi đế chế La mã sụp đổ vào năm 395. Thành tựu chính của địa lý cổ đại là đã khẳng định trái đất hình tròn của trường phái Pythagore thế kỷ V TCN và tính địa đới căn cứ vào bóng của Trái đất trên mặt trăng vào lúc nguyệt thực. Đặc biệt vào thế kỷ thứ III các đo đạc Trái đất, xác định phương hướng và vị trí địa lý, đồng thời mô tả các quyển của trái đất như thạch quyển, khí quyển, khiến cho địa lý học đã mang tính định lượng bằng sử dụng toán học, thiên văn học. Đầu công nguyên hướng địa lý nhân văn đã được chú ý. Tồn tại lớn nhất của thời kỳ này là thuyết “Trái đất là trung tâm của thế giới và là một vật thể tĩnh tại, đứng yên không quay” của Ptôlêmê thế kỷ II (SCN).
Thời kỳ Trung Cổ bắt đầu từ năm đế chế La Mã sụp đổ (395 SCN) và kéo dài 1058 năm cho đến khi vua Thổ Nhĩ Kỳ Mohamét II chiếm lĩnh được Constantinophe vào năm 1453 SCN. Thời kỳ Trung cổ là thời kỳ suy thoái của khoa học địa lý nói riêng và nền khoa học nhân loại nói chung do những ràng buộc khắc nghiệt của nhà thờ thiên chúa giáo lúc đó. Trái đất được coi là phẳng hay có dạng đĩa phẳng.
Thời kỳ phục hưng từ thế kỷ XV- XVI, địa lý được đánh dấu bởi các “đại phát kiến” đi bằng đường biển trên các thuyền buồm lớn. Đại phát kiến thứ nhất là sự tìm ra châu Mỹ của Chriptople Colomb (1451-1506) người Ý. Đại phát kiến thứ 2 là chuyến đi vòng quanh châu Phi qua mũi Hảo Vọng để tới Ấn Độ do Vasco de Gama (1469 – 1524) người Bồ Đào Nha thực hiện năm 1498. Đại phát kiến thứ 3 là chuyến đi vòng quanh thế giới trong 3 năm (1519 – 1522) của Magellan (1470-1521) người Bồ Đào Nha làm việc cho vua Tây Ban Nha. Về mặt khoa học địa lý giai đoạn phục hưng đã phát triển và mở rộng các thành tựu địa lý cổ đại nhưtrái đất hình cầu, tính địa đới của khí hậu, quan hệ giữa khí hậu và sinh vật cũng như sinh hoạt của con người…Những phát kiến về đới gió về sự thông nhau của các đại dương và phát hiện các châu lục…. Thành tựu của địa lý thời phục hưng là sự ra đời và phát triển trường phái bản đồ địa lý Hà Lan Meccato với quả địa cầu đầu tiên hoàn thành năm 1492 và tập bản đồ đầu tiên xuất bản năm 1570 gồm 53 bản đồ in từ các bản khắc đồng, tô màu bằng tay qua tham khảo tài liệu của 87 nhà địa lý và bản đồ học.
Thời kỳ tư bản chủ nghĩa được bắt đầu từ thế kỷ XVII – XVIII với sự bùng nổ cách mạng khoa học. Các ứng dụng nghiên cứu; đo lường như phong vũ biểu, hàn thử biểu, kính viễn vọng, máy kinh vĩ… đã giúp cho khoa học địa lý quan sát không gian và vẽ bản đồ chính xác hơn. Người đặt nền móng cho địa lý học hiện đại là nhà triết học kiêm nhà địa lý học người Đức Emmanuel Kant (1924-1804) coi “địa lý là sự mô tả theo không gian” và nhà bác học Viện hàn lâm khoa học Nga (nhà tự nhiên học) M.V.lômônôxôp (1711-1765) với dự án nghiên cứu khai thác Bắc cực và vẽ bản đồ nước Nga. Bản đồ học được phát triển ở nhiều nước châu Âu và châu Mỹ. Địa lý học đã được tổ chức nghiên cứu, đào tạo có tính chuyên nghiệp ở nhiều nước. Song sự phát triển khoa học địa lý cổ điển thống nhất có đối tượng, phương pháp nghiên cứu chung đã dẫn đến phân rã thành các phân ngành địa lý trong thế kỷ 19. Hai phân ngành chính là nhóm các khoa học địa lý tự nhiên và nhóm các khoa học địa lý kinh tế xã hội. Sự phân ngành của địa lý dần cũng bộc lộ những nhược điểm, được kiểm nghiệm sau những những thất bại khi tiến hành các công trình phát triển kinh tế xã hội hoặc cải tạo tự nhiên ở qui mô lớn. Do vậy sau thế kỷ 20 địa lý thống nhất hiện đại (địa lý tự nhiên tổng hợp) đã lại được khẳng định. Thành tựu của địa lý thế kỷ XIX là khoa học địa lý đã được giảng dạy ở nhiều trường đại học nổi tiếng của châu Âu; Các nước Đức, Pháp, Nga, Anh… đã sớm thành lập Hội địa lý. Hội nghị địa lý quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Angve (Anvers) Bỉ vào năm 1871. Ba khuynh hướng nghiên cứu địa lý chính xuất hiện đó lànghiên cứu vùng, nghiên cứu quan hệ con người, môi trường địa lý và khuynh hướng nghiên cứu cảnh quan. Đồng thời với sự phát triển về lý thuyết, hoàn thiện phương pháp luận nghiên cứu, khoa học địa lý thế giới đã ra đời các trường phái địa lý thế kỷ XX. Như trường phái địa lý Đức, Pháp, Nga, Mỹ. Trường phái địa lý Mỹ hình thành muộn vào đầu thế kỷ XX, nhưng được phát triển nhanh, nhạy bén; có tính thực dụng thiên về phương pháp định lượng chính xác, sử dụng công cụ toán học và thực nghiệm trên thực địa tỷ lệ lớn.
Đến cuối thế kỷ XX với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học như khoa học thông tin, khoa học vũ trụ, máy tính…và sức ép phát triển kinh tế xã hội, thế giới theo xu hướng toàn cầu hoá đã làm thay đổi cơ bản khoa học địa lý, sự bùng nổ hệ thống thông tin địa lý. Xu hướng thống nhất phương pháp luận và phương pháp chung, nhất thể hoá đối tượng của địa lý học là tổng hợp thể lãnh thổ thống nhất tự nhiên – kinh tế - xã hội – nhân văn đã và đang phát triển. Sự biến đổi khí hậu toàn cầu, tài nguyên môi trường dẫn đến thiên tai rộng khắp và bùng nổ dân số thế giới với các mối quan hệ kinh tế liên, xuyên quốc gia đã làm thay đổi không chỉ hệ thống qui luật tự nhiên mà cả hệ thống kinh tế - chính trị - xã hội thế giới. Chính vì vậy địa lý thống nhất tự nhiên - kinh tế - xã hội – nhân văn hiện đại ra đời là kết quả tất yếu của khoa học địa lý vào cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của khoa học địa lý thế giới đang ảnh hưởng tới mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Cơ hội và thách thức của khoa học địa lý

CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CỦA ĐỊA LÝ VIỆT NAM TRONG NỬA ĐẦU THẾ KỶ 21

 Địa lý Việt Nam qua tóm lược lịch sử đã có một bước tiến dài trong nửa cuối của thế kỳ 20. Cùng với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc giành độc lập chủ quyền đất nước, khoa học địa lý đã nhanh chóng bứt phá khỏi địa lý cổ điển, hội nhập với địa lý hiện đại; đồng thời từ một nền khoa học địa lý lệ thuộc (chủ yếu do các nhà địa lý nước ngoài thực hiện) đến một nền khoa học địa lý tự chủ, có sắc thái riêng phục vụ đất nước phát triển kinh tế xã hội. Ngoài ra các công trình địa lý đồ sộ như “Atlat quốc gia Việt Nam”, “Thiên nhiên Việt Nam”, “Việt Nam lãnh thổ và các vùng địa lý”, “Địa lý tự nhiên Việt Nam”,… của các nhà địa lý Việt Nam. Dưới góc độ văn hoá các công trình địa lý đã “vẽ được những đường nét của văn hoá Việt Nam ở các vùng miền khác nhau và chỉ ra được sự vận động của văn hoá trong không gian”. Với lực lượng hàng chục ngàn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ địa lý trong các cơ quan đào tạo và nghiên cứu địa lý, cơ quan quản lý nhà nước ở khắp mọi miền đất nước là một thuận lợi lớn của khoa học địa lý Việt Nam. Sau một thập niên đầu của thế kỷ 21, cho thấy địa lý Việt Nam đang có nhiều cơ hội và thách thức lớn lao qua tham chiếu lịch sử phát triển cũng như nội lực, ngoại lực của khoa học địa lý nước nhà.
Những cơ hội
- Quá trình công nghiệp hoá đi đôi với đô thị hoá và gắn liền với khai thác tài nguyên môi trường. Quá trình đó làm chuyển dịch toàn bộ hệ thống kinh tế xã hội và cả hệ thống tự nhiên hết sức phức tạp. Chỉ có thể trên quan điểm địa lý tổng hợp nghiên cứu những luận cứ khoa học phục vụ chiến lược phát triển bền vững đất nước. Sự quan tâm của nhà nước và xã hội đối với những vấn đề địa lý – môi trường đang là một cơ hội lớn.
- Nước ta có một vùng biển và hải đảo lớn gấp 2 lần đất liền với một dải bờ biển dài trên 3200km đang được đánh thức để trở thành Quốc gia biển. Khoa học địa lý là khoa học không gian và lãnh thổ. Bởi vậy nghiên cứu khai thác hợp lý tài nguyên và quản lý bền vững biển đảo là trách nhiệm và cũng là cơ hội của địa lý Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ 21.
- Khoa học địa lý có cơ hội tiếp thu trao đổi những tri thức địa lý với toàn thế giới. Các hợp tác quốc tế về đào tạo, trao đổi khoa học và nghiên cứu địa lý của các nhà địa lý Việt Nam đã thể hiện điều đó. Sự hợp tác ngày càng sâu rộng trong khu vực và ngoài khu vực, cả trong các tổ chức chính phủ và tổ chức phi chính phủ.
- Làn sóng toàn cầu hoá tiếp tục diễn ra nhanh, lan rộng tới nhiều quốc gia (trong đó có Việt Nam) không chỉ làm gia tăng các dòng thương mại, tài chính mà còn đưa các tiến bộ công nghệ tạo điều kiện thuận lợi trao đổi các ý tưởng và phát triển khoa học. Thời gian để thăm dò thám hiểm tài nguyên môi trường địa lý được rút ngắn tối thiểu. Công nghệ vũ trụ, công nghệ thông tin, khoa học tính toán… đã thúc đẩy sử dụng hiệu quả hệ thông tin địa lý GIS, giải những bài toán phức tạp về thiên nhiên môi trường.
- Vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với địa lý Việt Nam là những biến đổi toàn cầu về thiên nhiên môi trường như biến đổi khí hậu, sa mạc hoá, hoạt hoá núi lửa, động đất, sóng thần, nước biển dâng, bão, lũ… đang đưa toàn thế giới xích lại gần nhau hơn để bảo vệ “ngôi nhà chung – Trái Đất”. Địa lý Việt Nam đã và đang được tham gia phối hợp quốc tế vì mục tiêu cao cả này.
 Những thách thức
 - Địa lý Việt Nam hiện có một lực lượng đông song năng lực còn hạn chế và chưa có những cánh chim đầu đàn thay thế lớp các nhà địa lý già đã ngừng hoạt động do sự hẫng hụt thế hệ kế tục do lịch sử để lại.
- Trong một thời gian dài, địa lý Việt Nam phát triển chia nhỏ theo khuynh hướng địa lý bộ phận (dễ làm, dễ thuyết minh) bởi vậy địa lý tổng hợp kém phát triển, địa lý kinh tế xã hội còn ít được quan tâm. Đầu thế kỷ 21 những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam và toàn cầu là hướng phát triển bền vững. Do vậy cần đứng trên quan điểm địa lý tổng hợp và địa lý kinh tế xã hội nhân văn. Từ các trường phái địa lý trên thế giới, khoa học địa lý Việt Nam cần lựa chọn trường phái hợp lý, có vậy mới tập hợp được lực lượng và hội tụ được năng lực để tiến hành các công trình lớn tầm cỡ vùng miền, quốc gia và khu vực.
- Thách thức lớn nhất của địa lý Việt Nam là cơ sở vật chất, tạo ra năng lực sáng tạo trước những biến cố lớn của thế giới và những nhiệm vụ lớn của đất nước. Định lượng hoá trong nghiên cứu địa lý là nhiệm vụ tất yếu. Song mức độ chính xác đòi hỏi ngày càng cao để có thể cảnh báo, dự báo thiên tai và tổ chức lãnh thổ phát triển kinh tế. Địa lý Việt Nam cần được trang bị các công cụ hiện đại, phòng thí nghiệm và trạm trại nghiên cứu để giải quyết các bài toán về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, sức ép gia tăng dân số, suy thoái tài nguyên môi trường, thiên tai sa mạc hoá. Khoa học địa lý Việt Nam không thể phát triển mạnh, nghiên cứu phục vụ đất nước nếu không được đầu tư thích đáng.
    Những cơ hội và thách thức trên đặt ra cho khoa học địa lý Việt Nam cần phải xem xét lại các luận điểm và phương pháp tiếp cận vấn đề để có sự thống nhất trong đa dạng.

 KẾT LUẬN

    Lịch sử phát triển khoa học địa lý thế giới và địa lý Việt Nam có sự tương đồng từ sự ra đời sớm địa lý cổ điển đến địa lý hiện đại tiếp thu khoa học công nghệ tiên tiến. Đồng thời trong quá trình lịch sử khoa học địa lý có những bước thăng trầm, thử thách.Khoa học địa lý Việt Nam mới thực sự phát triển trở thành khoa học hiện đại từ nửa cuối của thế kỷ 20. Những thành tựu của khoa học địa lý Việt Nam là rất đáng ghi nhận song còn chậm so với thế giới và so với một số ngành khoa học khác của đất nước. Bước vào thế kỷ 21, nhiều biến động về tự nhiên và kinh tế xã hội mang tính toàn cầu. Đồng thời trước nhu cầu phát triển của đất nước khoa học địa lý đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Địa lý Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển vượt qua các thách thức trong thế kỷ 21 để vươn tới các thành tựu mới đóng góp cho khoa học và xây dựng, bảo vệ tổ quốc.
----------

PBV. lược trích từ “Địa lý Việt Nam - Cơ hội và thách thức trong nửa đầu thế kỷ 21”
Tác giả : Nguyễn Đình Kỳ, Nguyễn Trần Cầu (Viện Địa lý - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), xem chi tiết tại trang web:
http://vast.ac.vn/file/2_%20Dia%20ly%20VN%20co%20hoi%20va%20thach%20thuc.doc




Trích từ: Khoa Địa lý - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn

Share this

0 Comment to "Khoa học Địa lý Việt Nam - Cơ hội và thách thức"