27 thg 3, 2014

Bản đồ số - công cụ hỗ trợ quản lý đất đai


Lần đầu tiên Việt Nam có bộ cơ sở dữ liệu (CSDL) nền thông tin địa lý tỷ lệ 1/10.000 gắn với mô hình số độ cao phủ trùm cả nước. Bộ bản đồ số này phục vụ đắc lực cho công  tác quản lý điều hành quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng. Đặc biệt, trong lĩnh vực đất đai, đây là công cụ hỗ trợ quan trọng trong quản lý.
CSDL nền TP. Cà Mau
Lợi ích khi sử dụng CSDL nền thông tin địa lý 
Với bộ cơ sở dữ liệu này, chỉ cần cử chỉ nhấp chuột là chúng ta có thể tìm được đối tượng cần tìm kiếm như loại đất, thửa đất, diện tích đất cụ thể như thế nào. Nếu như trước đây mỗi khi có biến động ở mỗi thửa đất, cán bộ địa chính thường phải tiến hành công việc đo lại thửa đất đó rồi vẽ lại trên bản đồ thì nay chỉ cần cập nhật thông tin nguyên nhân có sự thay đổi là xong. Điều này giúp cho người làm công tác quản lý đất đai nắm được thông tin cụ thể, chi tiết để đưa ra những quyết định hợp lý và giúp cho việc quản lý đất đai có hiệu quả cao.
Ngoài ra, với bộ cơ sở dữ liệu này chúng ta có được lớp thông tin phong phú, chi tiết đến từng đơn vị xã, phường. Đặc biệt, cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý ở tỷ lệ 1/10.000 gắn với mô hình số độ cao còn có ý nghĩa quan trọng trong những trường hợp khẩn cấp như lũ lụt, sạt lở đất, lựa chọn những điểm cao và tính khoảng cách tới đó để có kế hoạch di dân. Những thông tin này phục vụ hữu hiệu cho các kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu…
Ông Nguyễn Tuấn Hùng, Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam cho biết, cơ sở dữ liệu nền  thông tin địa lý là một dạng tài liệu đặc biệt. Khác với bản đồ bằng giấy truyền thống, CSDL nền thông tin địa lý (trong đó có bản đồ số) đã thể hiện bức tranh về tự nhiên, dân cư, cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông đường bộ, mạng lưới đường bộ, mạng lưới sông, suối… tương đối chi tiết. Đặc biệt là, thông qua bộ sản phẩm này, chúng ta có thể truy cập được nhiều thuộc tính, trình bày hiển thị và chiết xuất theo phạm vi địa giới hành chính đến cấp xã, trong đó người dùng có thể lựa chọn theo từng đối tượng, chủ đề hoặc nhiều đối tượng trên phạm vi mà mình quan tâm cùng một lúc mà trên bản đồ giấy trước đây không có.
Theo ông Hùng, điểm khác biệt chính giữa cơ sở dữ liệu thông tin địa lý được thực hiện từ hai dự án này của Chính phủ với các tài liệu trước đây là toàn bộ dữ liệu được xây dựng theo bộ chuẩn thông tin địa lý thống nhất do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành. Điều này đảm bảo tính nhất quán về nội dung và chất lượng dữ liệu nền để phục vụ cho các ứng dụng của các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước, hướng tới việc triển khai thành lập"Cơ sở hạ tầng không gian quốc gia Việt Nam - VNSDI", có vai trò rất quan trọng trong điều kiện hiện nay nhất là khi Việt Nam gia nhập WTO.
Bà Vũ Thị Bích Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, trước đây, tỉnh Tuyên Quang đã được bàn giao nhiều tư liệu sản phẩm đo đạc bản đồ như bản đồ nền các huyện, bản đồ địa chính cơ sở 1/10.000, bản đồ địa chính đất lâm nghiệp tỷ lệ 1/10.000 và hiện nay tỉnh đang triển khai thực hiện dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai. Cho đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã được Bộ TN&MT quan tâm và bàn giao bộ cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý và bản đồ địa hình tỷ lệ 1/10.000. Đây là tài liệu quan trọng cung cấp nguồn thông tin, tư liệu làm cơ sở cho việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Không chỉ Tuyên Quang mà nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước rất vui mừng khi được bàn giao bộ cơ sở dữ liệu này. Với họ, đây như "bảo bối" vô cùng quan trọng để quản lý đa ngành, đa lĩnh vực để phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Từ thực tiễn đòi hỏi làm cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý
Theo các chuyên gia về đo đạc và bản đồ, thành lập cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý phủ trùm cả nước dựa trên việc hoàn chỉnh hệ thống bản đồ địa hình tỷ lệ 1/10.000 phủ trùm lãnh thổ Việt Nam và mô hình số độ cao phủ trùm cả nước sẽ phục vụ cho việc nâng cao chất lượng quy hoạch, quyết định hợp lý về đầu tư, tăng cường cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy quản lý Nhà nước, quản lý các ngành và địa phương.
Chính vì vậy, để thực hiện việc xây dựng hệ thống thông tin địa lý trên phạm vi cả nước, Bộ TN&MT đã đề xuất và triển khai hai dự án "Thành lập CSDL nền thông tin địa lý ở tỷ lệ 1/10.000 gắn với mô hình số độ cao phủ trùm cả nước" và "Thành lập CSDL nền thông tin địa lý ở tỷ lệ 1/2.000, 1/5.000 các khu vực đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm" được triển khai từ năm 2008 theo Quyết định số 1867/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/12/2007.  Dự án do Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam chủ trì, tổ chức triển khai thực hiện các thiết kế kỹ thuật - dự toán, quản lý Nhà nước về chất nước sản phẩm trên phạm vi cả nước. Đồng thời phối hợp với Tổng Công ty TN&MT Việt Nam, Trung tâm Viễn thám Quốc gia và Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ Việt Nam thực hiện. Sau hơn 3 năm thi công, dự án đã hoàn thành CSDL nền  thông tin địa lý ở tỷ lệ 1/10.000 của hầu hết các tỉnh trong cả nước. Đến nay, Cục Đo đạc và Bản đồ đã tiến hành bàn giao cho khoảng 30 tỉnh, thành phố trong cả nước. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam sẽ tiến hành bàn giao cho các tỉnh, thành phố còn lại. Tuy nhiên, đây là sản phẩm mới nên không tránh khỏi những thiếu sót. Bộ TN&MT đang chỉ đạo Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam hoàn thiện thêm quy trình công nghệ cũng như các văn bản quản lý kỹ thuật để việc khai thác sản phẩm có hiệu quả nhất và tránh lãng phí.

Nguồn: http://monre.gov.vn

Share this

2 Comments to "Bản đồ số - công cụ hỗ trợ quản lý đất đai"

Unknown nói...

Bài viết hay quá, xem thêm ở đây nè
http://trangxoa.com/
http://www.trangxoa.com/
sr, bạn tập spam xíu

Unknown nói...

Bài viết chi tiết, khá hay
Công ty chuyên cung cấp thiết bị định vị và đo lường, ghé thăm website và ủng hộ các bạn nhé
www.dinhvidigital.com