14 thg 2, 2015

“Khi quê hương không có chỗ cho người trẻ”

Trong dịp nghỉ Tết về quê cũng ngồi trò chuyện với mấy anh em cùng với mấy thằng bạn ở quê và tình cờ đọc được bài báo với cái tít “Khi quê hương không có chỗ cho người trẻ” thấy mà nhói, mà ngẫm, nghĩ…rồi lại thôi…

Trong lớp tôi hồi ở Phổ thông, mà rộng ra nữa thì là những người bạn cũng khóa với tôi lúc đó bây giờ thì ai cũng đã tốt nghiệp, ra trường, đứa thì có công việc ổn định, đứa thì vẫn hì hụt tìm kiếm việc làm trong 1,2 năm qua.

Như thằng Văn bạn tôi hồi học Phổ thông, tốt nghiệp đại học loại giỏi ở trường Đại học danh tiếng nhất miền Tây, cuối cùng thi công chức cũng đâu có đậu, mà nói gì đến công chức…đợt thi danh cho “tri thức trẻ” gì đó của tỉnh còn không đậu. - “Lót trước lót sau vẫn chưa chắc thi đậu, mà thi đậu cũng chưa chắc có việc làm” – tôi nghĩ vậy.

Quán cà phê, quán nhậu ở quê tôi bây giờ nhiều vô kể, nơi nhiều người đến mài mòn tuổi trẻ của mình trong những câu chuyện phiếm không đầu không cuối, rồi họ thất vọng bởi những thí không đâu, mà chính họ cũng chẳng mấy để tâm.

“Về chưa, cà phê!” là một câu nói quen thuộc vào mùa này, khi thành phố nhỏ quê tôi đang đợi chờ những người trẻ bị mang đi bởi chuyến xe khách mùa hè trở về, mang theo một chút gì mới mẻ. Nhưng thành thực mà nói, những mẩu chuyện về công việc, tiền bạc, quan hệ với đầy sự thỏa hiệp khiến tôi như rụn rã. - OTT

“Có phải khi lớn lên, nụ cười của con người không còn trong trẻo từ khi bàn tay họ lén lút ở dưới gầm?” – Tôi sợ và tôi gần như trốn tránh những mối quan hệ như thế.

Như có lần về quê công tác, đơn giản chỉ đi xin mấy cái dấu ở dưới cấp xã thì ông này hẹn, đưa qua ông kia, ông kia bận đi công tác, bận họp, v.v. Ba tôi bảo, bây giờ “1 cửa” rồi, đưa cho chút “chất bôi chơn” làm gì cũng nhanh…mà đúng thật chỉ trong 1 buổi tôi hòan thành mọi thứ khỏi phải chạy trước chạy sau.

Bây giờ mới thấm câu: “Nhất quan hệ, nhì tiền tệ, thứ ba mới là trí tuệ”. Ở cái xã hội mà tiền không thể mua được tất cả, nhưng cơ bản là “gần hết” ấy sao mà ghê sợ.

Rồi quê hương của tôi có thể trẻ hơn bởi những con người với ý nghĩ già nua?. Cái ý nghĩ vào làm công chức để ổn định, cái ý nghĩ đưa tiền trước lấy lại tiền sau, cái ý nghĩ diệt trừ người khác bằng giả danh “bài trừ tiêu cực”!

Bạn già tôi nói thế hệ của anh là vứt đi, thế hệ trước anh cũng tự nhận mình là vứt đi. Rồi ai vứt nổi chúng tôi đây, khi chính chúng tôi còn không ngửi được mùi mốc meo lên rễ của chính mình.

Như ở quê tôi có nhiều gia đình nghèo phải nuôi 2,3 có khi 4 người con học Đại học nhưng rồi như bao người trẻ khác, họ tốt nghiệp và đi nơi khác làm việc.

“Bọn trẻ muốn về quê làm việc ở gần bố mẹ lắm chứ, nhưng mình không có thân thế gì, không xin việc được. Tỉnh nói ưu đãi cho trí thức trẻ về quê, nhưng thực chất những cái ghế chưa ai ngồi cũng đều đã đề tên sẵn. Bạn của con chú về muốn có việc cũng phải đút tiền, nó chán nên vào Sài Gòn làm lại.”

Nhiều người tự lực vì họ không có chỗ nào để dựa. Nhiều người không đút lót vì không có tiền để đút, nhiều người không nhận hối lộ vì không có điều kiện để nhận. Tôi tự hỏi, con cái của những người nghèo khi đã vượt qua gian khổ, đã thành ông này bà nọ, điều gì sẽ giữ họ lại với sự liêm chính?

10 giờ đêm, ngọn đèn dầu của những người mẹ bán trứng vịt lộn nuôi con đi học đại học ở Sài Gòn vẫn còn chong sáng. Tôi hỏi 1 thằng em: “Nếu được, cậu có về?”. Nam bảo sẽ về, nhưng chắc tầm 10 năm nữa, khi đã có nhiều tiềm lực hơn, bây giờ về không có đất dụng võ. Nam rất giỏi, Nam chịu khó vô cùng, Nam liêm khiết, sao Nam không về đi cho quê hương của tôi trẻ hơn một chút.

Cái miền quê này đâu chỉ già vì có quá nhiều người trẻ ra đi, đâu chỉ già vì quá nhiều cha mẹ trông ngóng con đi học sắp về. Miền quê tôi già bởi chính những người trẻ ở lại có lối suy nghĩ không khác gì người già, những người trẻ thi công chức mà ích kỉ, yên phận, sống chấp nhận, lỡ theo tiền lệ nhiều hơn một lần nên cả đời không dám nói to. Tôi hỏi bạn: “Sao chuyện đút tiền xin việc lại trở thành một điều thông thường được vậy?” Bạn lắc đầu, trả lời: “Chuyện đó cũ quá rồi.” – OTT.

Tôi cũng vậy, cũng từng học Sài Gòn, rồi cố gắng bon chen nơi đất khách quê người, đơn giản vì không quen biết, không tiền tệ nên thôi. Cha mẹ cũng muốn tôi về quê, nhưng về đâu với những điều cũ kỹ đó, với những thứ như “chuyện cũ quá rồi”. Rồi có những người trẻ đi, có những người trẻ về, nhưng sao mà khác biệt quá..!!

Share this

0 Comment to "“Khi quê hương không có chỗ cho người trẻ”"