Khó khăn lớn nhất, khó
vượt qua nhất trong việc phát triển và ứng dụng GIS là sự thiếu hợp tác của các
tổ chức và cá nhân được giao trách nhiệm nắm giữ các loại thông tin, dữ liệu.
GIS sẽ ra sao nếu không đủ thông tin, nếu dữ liệu không đáng tin cậy?
Tầm quan trong của Dữ liệu trong GIS |
Gần đây liên tiếp
có những tín hiệu vui với những người quan tâm đến sự phát triển và ứng dụng hệ
thống thông tin địa lý (geographical information system - GIS) từ các địa
phương.
Tỉnh miền núi Lào Cai
đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 888 bản đồ điện tử một cách đồng bộ, thống nhất ở
ba cấp tỉnh, huyện, xã bằng công nghệ GIS và đưa các sản phẩm này lên internet
nhằm chia sẻ rộng rãi cho các đối tượng và mục đích sử dụng khác nhau. Thành công
của Lào Cai sẽ kích thích các tỉnh, thành phố chọn lựa để triển khai những ứng
dụng phù hợp với điều kiện của địa phương từ rất nhiều ứng dụng của GIS.
Trong khoảng 10 năm trở
lại đây, từ một đề tài KHCN cấp nhà nước hỗ trợ cho các địa phương xây dựng 14
lớp bản đồ số hóa, đến các dự án quốc tế hỗ trợ kỹ thuật cho các ngành, các địa
phương ở nước ta, dù ở lĩnh vực nào, cũng thường có nội dung liên quan đến GIS.
Mức độ thành công của đề tài cấp nhà nước về GIS và nội dung liên quan đến GIS
của các dự án quốc tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng đóng góp đáng ghi nhận
nhất của chúng là ảnh hưởng tích cực đến nhận thức về tầm quan trọng của GIS và
khả năng ứng dụng tuyệt vời của nó.
Hàng trăm công trình
nghiên cứu và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau đã được triển khai thực
hiện, được báo cáo ở 13 hội thảo khoa học về GIS hằng năm tại TP Hồ Chí Minh với
tên gọi rất ấn tượng là GISNet - mạng lưới GIS. Một số dự án ứng dụng GIS đã có
những thành công như ở UBND quận Gò Vấp, Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN) Ðồng
Nai, UBND TP Ðà Lạt, Sở Y tế Quảng Trị, Sở Thông tin và Truyền thông Quảng
Ngãi... Các ứng dụng GIS được triển khai ở tất cả các lĩnh vực: giám sát tài
nguyên thiên nhiên và môi trường (thí dụ, giám sát sự biến động đa dạng sinh học
bằng cách kết hợp các dữ liệu viễn thám và quan sát của cộng đồng trong dự án
Hành lang xanh, tỉnh Thừa Thiên - Huế), phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, phát
triển nông nghiệp và nông thôn (trồng trọt, phòng trừ dịch bệnh), phát triển du
lịch, quản lý đô thị (thí dụ điển hình là quận Gò Vấp với mục tiêu đẩy tham vọng
"quản lý từng căn nhà, từng hộ gia đình" trong quận), quản lý quy hoạch
và đầu tư, quy hoạch nuôi trồng thủy sản (dự án Quản lý tổng hợp các hoạt động
trên đầm phá (IMOLA), tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Tuy nhiên, trong quá
trình phát triển và ứng dụng GIS ở Việt Nam, giới làm GIS và các địa phương
đang gặp những khó khăn từ nhiều phía, có cả những khó khăn do chính họ tạo ra.
Khó khăn thứ nhất là vẫn
chưa có một định hướng chiến lược, một chương trình tổng thể về phát triển và ứng
dụng GIS của quốc gia và các địa phương.
Khó khăn thứ hai là, đến
nay, trong CNTT nói chung và GIS nói riêng, Nhà nước chưa ban hành các loại chuẩn,
bao gồm các chuẩn thông tin, dữ liệu và quy trình và không có quy định buộc phải
áp dụng chuẩn. Mà thiếu chuẩn thì thông tin, dữ liệu không thể tích hợp, trao đổi
và chia sẻ, các bản đồ không thể ghép nối được với nhau. Mới đây có thông tin rằng
95% các mảnh bản đồ GIS của TP Hồ Chí Minh không ghép nối được với nhau. Thông
tin, dữ liệu nếu không được tích hợp thì sẽ ít giá trị gia tăng; nếu không được
trao đổi và chia sẻ cũng có nghĩa là ít người được sử dụng thì vô cùng lãng phí
và kém giá trị. Vì vậy rất cần có tiếp cận đúng về chia sẻ thông tin. Nhận thức
của thời đại ngày nay về thông tin là nguồn lực cho phát triển và là tài sản của
xã hội, cần được dùng chung, phải được tuyên truyền phổ biến và luật hóa
để nó trở thành nhận thức chung của toàn xã hội.
Khó khăn thứ ba là
trong mục tiêu của chương trình công nghệ thông tin từ cấp quốc gia đến các
ngành, các cấp, các hệ thống thông tin, hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, được
xây dựng theo chuẩn thống nhất, phù hợp với chuẩn quốc tế nhằm chia sẻ, trao đổi
được trong phạm vi quốc gia và quốc tế, tích hợp được vào hệ thống chung toàn
quốc chưa được chú trọng. Các trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước
ít người truy cập vì người ta tìm thấy ở đó ít thông tin hữu ích, cập nhật. Ðến
nay, vẫn chưa có quy định nào của Nhà nước về xây dựng, cập nhật, nâng cấp,
sử dụng và quản lý các cơ sở dữ liệu tổng hợp và chuyên ngành Luật CNTT có quy
định về việc giao cho các bộ, ngành (Ðiều 58) hoặc các tỉnh/thành phố (Ðiều 59)
các nhiệm vụ này. Nhưng bao giờ các nhiệm vụ đó phải được thực hiện và hoàn
thành thì không được quy định.
Khó khăn lớn nhất, khó
vượt qua nhất trong việc phát triển và ứng dụng GIS là sự thiếu hợp tác của các
tổ chức và cá nhân được giao trách nhiệm nắm giữ các loại thông tin, dữ liệu.
GIS sẽ ra sao nếu không đủ thông tin, nếu dữ liệu không đáng tin cậy? Các tổ chức
làm GIS chưa được tập hợp lại thành một tổ chức đủ mạnh, đủ năng lực làm được
những việc có quy mô và tầm ảnh hưởng lớn. Ít người nghĩ đến việc trao đổi,
chia sẻ và tích hợp các dữ liệu và xây dựng những hệ thống thông tin quốc gia
hoặc địa phương.
Rõ ràng là, để khắc phục
những khó khăn trên, để phát triển GIS trong phạm vi toàn quốc, phạm vi một
ngành hoặc địa phương hay chỉ để xây dựng và thực hiện một dự án GIS, cần có
cách tiếp cận hệ thống. Rất may mắn là dự án Xây dựng hệ thống thông tin địa lý
của tỉnh Thừa Thiên - Huế (được gọi gắt là dự án GISHue) về cơ bản đã tuân theo
cách tiếp cận này nên đã thu được những thành công bước đầu.
Về bản chất GIS là một
hệ thống. Hệ thống ở đây được hiểu là tập hợp của nhiều yếu tố có quan hệ chặt
chẽ với nhau, làm thành một thể thống nhất, đồng thời còn được hiểu là phương
pháp, cách thức phân loại, sắp xếp các yếu tố đó một cách trật tự, logic. Các yếu
tố cấu thành GIS là phần cứng, phần mềm, các cơ sở dữ liệu, quy tắc vận hành hệ
thống và con người. Trong các yếu tố này, các cơ sở dữ liệu có vai trò cực kỳ
quan trọng trong hệ thống, làm nên sức mạnh của hệ thống, thông thường chiếm đến
ba phần tư thời gian, công sức và tiền bạc của một dự án GIS, nhưng lại chưa thật
sự được quan tâm. Quy tắc vận hành, bao gồm các quy chuẩn kỹ thuật và quy tắc
hành chính là cần thiết cho bất kỳ một hệ thống nào hoạt động trơn tru, hiệu quả,
nhưng thật đáng tiếc là hầu hết các dự án GIS hiện nay ở Việt Nam đang bỏ qua
thành phần quan trọng này. Có thể, khi xây dựng và quyết định đầu tư một dự án
GIS chúng ta chưa chú ý đến việc phối hợp các mục tiêu, hướng đến các đối tượng
tiềm năng sẽ hưởng thụ thành quả dự án thông qua việc chia sẻ và trao đổi thông
tin liên ngành với quốc gia, quốc tế. Nếu chú ý đến mục tiêu đó, thì tự nhiên
phải quan tâm đến việc khớp nối, liên kết các cơ sở dữ liệu được xây dựng một
cách độc lập bởi một bộ chuẩn đầy đủ.
GIS và các ứng dụng của
nó đang phát triển nhanh chóng. Ðó là các dịch vụ kết hợp GIS với hệ thống định
vị toàn cầu (GPS) để hiển thị vị trí nhà hàng, khách sạn, tìm đường... được cài
vào các thiết bị cầm tay, các ứng dụng bản đồ trên web cho phép tạo lập các ứng
dụng của riêng mình, các nghiên cứu sự biến động của các quá trình trên trái đất
theo thời gian và tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng... đang rất
cần được phát triển đúng hướng.
Những gì chúng tôi mạo
muộn gọi là "cách tiếp cận" không có gì mới so với thế giới, nhưng là
mới ở nước ta, vì chúng ta có những điều kiện khách quan và chủ quan riêng có,
nên chưa thực hiện được. Hy vọng rằng với tinh thần hội nhập, chúng ta cũng sẽ
hội nhập cả về cách làm, để GIS của nước ta không còn là những kết quả đơn lẻ,
phân tán, không thể tập hợp lại thành hệ thống như chính tên gọi của nó.
Nguồn: DATAGIS
1 Comment to "GIS sẽ ra sao nếu dữ liệu không đáng tin cậy?"
http://khachsangiareovungtau.com/
Đăng nhận xét