Chí Tình - Đất “chín rồng” đồng bằng
sông Cửu Long từ bao đời nay đã hình thành một nét văn hoá đặc trưng: chợ nổi.
Và chợ nổi Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long là một trong những khu chợ tồn tại lâu đời
nhất, gắn với nhiều nét sinh hoạt văn hóa của các tỉnh miền Tây Nam Bộ như Cần
Thơ, Long An, Cà Mau, Tiền Giang…
Trà Ôn là một trong những
vùng đất cây lành, trái ngọt của đồng bằng sông Cửu Long thơ mộng. Trên bờ
là những vườn cây ăn trái trĩu trịt, những dãy cù lao cây xanh trái ngọt, dưới
sông tàu ghe hân hoan xếp mình thành dãy dài chờ đón mang những sản vật của vùng
đất phù sa đến với mọi miền đất nước. Chợ nổi Trà Ôn là chợ nổi
cuối cùng trên sông Hậu trước khi đổ ra biển, nằm ngay
giữa ngã ba sông Hậu và sông Mang Thít. Cùng với chợ nổi Phong
Điền, Cái Răng (Cần Thơ), Cái Bè (Tiền Giang), Phụng Hiệp (Hậu Giang), Gành Hào
(Cà Mau)…, chợ nổi Trà Ôn (Vĩnh Long) thể hiện nét sinh hoạt văn hóa đặc
trưng của người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Theo lời những người
dân sinh sống lâu năm tại đây, chợ nổi trà ôn đã có từ lâu đời. Thuở xưa chợ là
nơi trú đêm an toàn cho những bạn ghe đi cắt lúa ở miệt Ngã Năm, Ngã Bảy, Ba
Xuyên (Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau bây giờ). Đây cũng là dịp trai gái tụ tập hát
hò đối đáp để quên đi những nhọc nhằn của cuộc mưu sinh vất vả. Ngày nay chợ nổi
mang dáng dấp văn minh thương mại với những ghe thuyền lúc nào cũng rộn rịp ngược
xuôi. Cũng như bao chợ nổi khác ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, chợ nổi Trà
Ôn không“ tĩnh” như chợ trên bờ mà luôn “động” bởi từ người bán lẫn kẻ mua đều
phải ngồi ghe, đi thuyền. Cửa hàng di động, gia đình di động, hàng hóa cũng di
động.
Được nhóm họp từ khi mọi
người còn đang ngon giấc, chợ nổi Trà Ôn nhộn nhịp cả ngày. Khi màn sương còn mờ
ảo, mặt trời chưa kịp nhô lên khỏi rặng cây, chợ nổi đã tấp nập với những thuyền,
ghe qua lại, đem theo đủ các sản vật của vùng nông thôn như dưa hấu, bưởi, cam,
xoài, dừa cùng rau củ các loại. Tiếng chào mời mua bán lẫn tiếng gọi nhau ơi ới,
cùng với tiếng máy nổ của động cơ... làm vang động cả một vùng sông nước. Thuyền
nào thuyền nấy đầy ắp cả hàng hóa, nhiều nhất là thuyền chở trái cây, mùa nào
thức ấy: chôm chôm, sầu riêng, cam, bưởi, măng cụt, xoài, dưa hấu... sản vật của
vùng sông rạch: tôm, cua, cá, hàu, rau tươi, bông súng... Ngay cả các loại dịch
vụ ăn uống, hớt tóc, uốn tóc, may mặc... cũng diễn ra ngay trên sông nhằm thỏa
mãn nhu cầu mua sắm tiêu dùng và sinh hoạt. Mỗi ghe bán món gì thì treo lủng lẳng
món ấy lên một cây tre dài cắm ở đằng mũi, có khi đến vài chục món, từ cao xuống
thấp mà giới đi buôn gọi là "bẹo". Đây là một hình thức tiếp thị độc
đáo chỉ có ở vùng sông nước. Cứ nhìn "bẹo" để đánh giá phiên chợ có
nhiều hàng hóa hay không. Chợ không có tiếng rao hàng, cũng không có lời giới
thiệu hàng hóa giữa muôn tiếng động ầm ĩ của chợ nổi. Muốn tìm thứ gì, người
mua chỉ cần nhìn lên “cây bẹo” là có thể đến đúng thuyền hàng cần mua. Mỗi ngày
hàng trăm ngàn tấn hàng hóa ngược xuôi muôn nẻo từ những chiếc bẹo đó. Hết hàng
thì bẹo được rút xuống.
Làm nên sự đa dạng,
phong phú và hấp dẫn của chợ nổi, ngoài lực lượng chủ chốt là thương lái, chủ vựa
trái cây còn có những người buôn bán nhỏ mà đa số là nông dân. Họ đến chợ nổi để
bán những nông sản cây nhà lá vườn, đồng thời mua sắm những nhu yếu phẩm phục vụ
cuộc sống hằng ngày bởi hàng hóa nơi đây giá rẻ và cực kỳ ổn định. Ngoài ra nét
đặc biệt của chợ nổi Trà Ôn so với các chợ nổi khác chính là việc nhóm họp
chợ theo con nước. Thường thì vào buổi sáng chợ đông, nhưng đông đúc hơn vẫn là
vào cao điểm của con nước lớn. Do đó, du khách vẫn có thể ngắm nhìn nét đẹp ở
chợ vào các buổi trong ngày tùy theo con nước. Đặc biệt, tại đây tất cả các loại
hàng hóa nông sản đều được mua bán theo những nhóm hàng và được phân phối từ
các ghe vườn theo dạng bán sỉ. Chợ nổi Trà Ôn là nơi đầu mối thâu mua những
hàng nông sản của thương lái hay chủ nhà vườn đưa đến. Từ đây được vận chuyển đến
các tỉnh như Cần Thơ, Trà Vinh, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Sài Gòn hoặc đi Long
Xuyên, Châu Ðốc, Cà Mau, Rạch Giá, thậm chí còn chở thẳng đi Campuchia, Trung
Quốc nữa.
Ở chợ nổi Trà Ôn, ngoài
hoạt động mua bán còn có cuộc sống gia đình, hàng xóm. Những chiếc ghe thương hồ
xuôi ngược neo đậu san sát, sớm hôm tối lửa tắt đèn có nhau. Mỗi người một hoàn
cảnh, một xứ sở, quê hương nhưng khi gặp nhau trên một bến sông, họ xem nhau
như một đại gia đình. Những con người sống với sông nước, lấy giang hồ làm
vui, bầu bạn sớm hợp chiều tan nhưng lúc nào cũng hào hiệp và điệu nghệ. Những
chiều tà, chợ nổi đìu hiu bập bềnh đậu hết một vạt áo nắng nhàn nhạt giữa ánh
hoàng hôn chạng vạng. Những người phụ nữ tần tảo lúi húi bên bếp lửa nấu nồi
canh chua giải nhiệt cho cả gia đình sau một ngày vật lộn ngoài trời hanh hao nắng
gió. Những người đàn ông xếp bằng ngồi trên mui ghe, khề khà ly rượu với miếng
khô mực, cá lóc nướng trui, có khi chỉ là một miếng xoài xanh chua loét. Những
cô con gái sau một ngày lao động mệt nhoài, ngồi hong tóc trong nắng chiều chạng
vạng, mơ màng về chốn thị thành náo nhiệt vốn là nỗi niềm rất chung của những
thiếu nữ suốt đời lênh đênh miền sông nước, mong một chốn dừng chân an lành để
trao thân gửi phận. Những đứa trẻ con thò lò mũi xanh, chũm chọe bên nhau
ê a hát hò hay ngồi tênh hênh trên mũi ghe câu cá chốt, cá mè. Cuộc sống yên
bình của những mảnh đời long đong nơi đây cứ thế lừng lững trôi qua, và chợ nổi
đã gắn vào đời họ như một định mệnh không thể dứt…
Chợ nổi Trà Ôn với những
nét văn hoá sông nước đã tác động vào tâm thức bao người. Những người dân sinh
ra và lớn lên tại tại dòng sông thuộc vùng đất Trà Ôn rất tự hào về chợ nổi quê
mình. Tuổi thơ của họ đã gắn chặt với chợ nổi, với tiếng ghe thuyền xào xạo, tiếng
người quen í ới gọi nhau vốn là nét đặc trưng của chợ. Dòng sông và chợ nổi đã
trở nên thân thương. Đó là món quà quí mà thiên nhiên đã tặng cho người dân Trà
Ôn. Các sản phẩm cây ăn trái bán trên chợ nổi đối với họ hiện nay là sản phẩm đẹp
để phục vụ cho du lịch. Du khách đến đây, dẫu là người Việt Nam hay người ngoại
quốc cũng thấy thích thú đến đam mê và không nỡ dời chân, bởi khó tìm
được nơi đâu đẹp và thú vị bằng.
Cùng với các chợ nổi khác
ở đồng bằng sông Cửu Long, chợ nổi Trà Ôn đã góp phần tích cực vào công cuộc mở
mang và phát triển kinh tế ở miền Tây Nam Bộ, tạo nên các giá trị văn minh
thương nghiệp sông nước với bản sắc văn hoá đặc thù. Chính những nét độc đáo đó
đã tạo nên phần hồn và sức sống mãnh liệt của chợ nổi. Chính vì lẽ đó mà ngày
nay, dẫu các siêu thị khang trang mọc lên như nấm thì chợ nổi đồng bằng sông Cửu
Long nói chung, chợ nổi Trà Ôn nói riêng vẫn tồn tại, vẫn là nét văn hóa độc
đáo của vùng sông nước Nam Bộ và là điểm hẹn lý thú trong những tour du lịch hấp
dẫn đông đảo du khách xa gần.
Đồng bằng sông Cửu Long
luôn có sức hút mãnh liệt đối với du khách gần xa qua cá lóc nướng trui thơm nức
mũi; bông điên điển vàng hoay dập dờn trong mùa lũ; ghe thuyền tấp nập ngày đêm
xuôi ngược cảnh mưu sinh; hay những con nước lớn tràn bờ, nước ròng phơi bãi …,
tất cả tạo nên một nét đẹp rất riêng của vùng đồng bằng sông nước.
Theo Mỹ Xuân
0 Comment to "Chợ nổi Trà Ôn, nét đặc trưng của vùng sông nước"
Đăng nhận xét